Bộ Quy tắc Ứng xử Chung của Quỹ Wikimedia

From Wikimedia Foundation Governance Wiki
This page is a translated version of the page Policy:Universal Code of Conduct and the translation is 98% complete.
Outdated translations are marked like this.
Bộ Quy tắc Ứng xử Chung của Wikimedia Foundation

Tại sao chúng ta có Bộ Quy tắc Ứng xử Chung

Chúng tôi tin vào việc trao quyền cho nhiều người nhất có thể để tham gia tích cực vào các dự án và không gian Wikimedia, để hiện thực hóa tầm nhìn của chúng tôi về một thế giới nơi tất cả mọi người đều có thể chia sẻ kho tàng kiến thức của nhân loại. Chúng tôi tin rằng cộng đồng cộng tác viên của chúng tôi phải đa dạng, cởi mở đón nhận tất cả các nhóm người, và dễ tiếp cận nhất có thể. Chúng tôi muốn những cộng đồng này trở thành những môi trường tích cực, an toàn và lành mạnh cho tất cả những người tham gia (và muốn tham gia). Chúng tôi cam kết đảm bảo rằng cộng đồng này sẽ tiếp tục như vậy, bằng nhiều cách trong đó có việc áp dụng Bộ Quy tắc Ứng xử này và đánh giá lại để cập nhật nếu cần. Đồng thời, chúng tôi muốn bảo vệ các dự án của mình trước những người làm tổn hại hoặc bóp méo nội dung.

Phù hợp với sứ mệnh của Wikimedia, tất cả những người tham gia vào các dự án và không gian của Wikimedia sẽ:

  • giúp tạo ra một thế giới trong đó mọi người có thể tự do chia sẻ kho tàng tri thức
  • trở thành một phần của một cộng đồng toàn cầu nơi không có thành kiến và định kiến, và
  • nỗ lực hướng tới sự chính xác và khả năng kiểm chứng trong tất cả các nội dung của mình.

Bộ Quy tắc Ứng xử Chung (BQTƯXC) này đặt ra một tập các hướng dẫn tối thiểu về hành vi được mong đợi lẫn không được chấp nhận. Bộ Quy tắc áp dụng cho tất cả những người tương tác và đóng góp vào các dự án và không gian Wikimedia trực tuyến và ngoại tuyến. Những người này bao gồm các cộng tác viên mới và lâu năm, các nhân viên trong các dự án, những người tổ chức và những người tham gia sự kiện, các nhân viên và thành viên hội đồng quản trị của các chi nhánh và nhân viên và thành viên hội đồng quản trị của Wikimedia Foundation. Bộ Quy tắc áp dụng cho tất cả các dự án, không gian kỹ thuật, những sự kiện trực tiếp và trực tuyến của Wikimedia, cũng như các trường hợp sau:

  • Các tương tác cá nhân, công khai và bán công khai
  • Những cuộc thảo luận về sự bất đồng và những biểu đạt về tình đoàn kết giữa các thành viên cộng đồng
  • Các vấn đề về phát triển kỹ thuật
  • Các phương diện về đóng góp nội dung
  • Các trường hợp đại diện cho các chi nhánh/cộng đồng với các đối tác bên ngoài.

1 – Giới thiệu

Bộ Quy tắc Ứng xử Chung định chuẩn hành vi cộng tác trong các dự án Wikimedia trên toàn thế giới. Các cộng đồng có thể bổ sung cho tài liệu này để phát triển các chính sách có tính đến bối cảnh văn hóa và xã hội tại địa phương, đồng thời duy trì các tiêu chí được liệt kê ở đây như tiêu chuẩn tối thiểu.

Bộ Quy tắc Ứng xử chung áp dụng công bằng cho tất cả các Wikimedian mà không có bất kỳ ngoại lệ nào. Những hành động đi ngược với Bộ Quy tắc Ứng xử chung có thể dẫn đến các hình phạt. Những hình phạt này có thể được thực thi bởi các nhân viên được chỉ định (nếu phù hợp trong bối cảnh địa phương của họ) và/hoặc bởi Wikimedia Foundation với tư cách là chủ sở hữu hợp pháp của các nền tảng.

2 – Hành vi được kì vọng

Tất cả các Wikimedian, dù là biên tập viên mới hay lâu năm, là nhân viên cộng đồng, thành viên hoặc thành viên hội đồng quản trị hay nhân viên của Wikimedia Foundation, đều phải chịu trách nhiệm về hành vi của chính họ.

Ở tất cả các dự án, không gian và sự kiện của Wikimedia, hành vi sẽ được xây dựng dựa trên sự tôn trọng, văn minh, tập thể, đoàn kết và quyền công dân tốt. Điều này áp dụng cho tất cả những người đóng góp và những người tham gia trong quá trình tương tác của họ với tất cả những người đóng góp và người tham gia, không có ngoại lệ dựa trên tuổi tác, khuyết tật về thể chất hoặc tinh thần, ngoại hình, quốc gia, tôn giáo, dân tộc và nền tảng văn hóa, đẳng cấp, tầng lớp xã hội, khả năng ngôn ngữ lưu loát, khuynh hướng tình dục, bản dạng giới, giới tính hoặc lĩnh vực nghề nghiệp. Chúng tôi cũng sẽ không đưa ra ngoại lệ dựa trên vị thế, kỹ năng hoặc thành tích trong các dự án hoặc phong trào của Wikimedia. ​

2.1 – Tôn trọng lẫn nhau

Chúng tôi mong muốn tất cả các Wikimedian thể hiện sự tôn trọng đối với người khác. Khi giao tiếp với mọi người, dù trong môi trường Wikimedia trực tuyến hay ngoại tuyến, chúng ta sẽ tôn trọng lẫn nhau.

Điều này bao gồm nhưng không giới hạn ở:

  • Thực hành sự thấu cảm. Hãy lắng nghe và cố gắng hiểu những điều mà những người liên quan đến Wikimedia có nguồn gốc khác nhau muốn nói với bạn. Hãy sẵn sàng đặt câu hỏi và điều chỉnh sự hiểu biết, kỳ vọng và hành vi của chính bạn với tư cách là một Wikimedian.
  • Hãy xuất phát từ thiện chí và thực hiện những chỉnh sửa có tính xây dựng; đóng góp của bạn sẽ cải thiện chất lượng của dự án hoặc công việc. Cung cấp và nhận phản hồi một cách tử tế và bằng thiện chí. Những lời phê bình nên được đưa ra một cách nhạy cảm và xây dựng. Tất cả các Wikimedian nên giả định rằng, trừ khi có bằng chứng thể hiện điều ngược lại, những người khác có mặt ở đây để hợp tác trong việc nâng cao chất lượng của các dự án, nhưng điều này không nên được sử dụng để biện minh cho những lời nói có tác động tiêu cực.
  • Tôn trọng cách các cộng tác viên tự gọi và mô tả về bản thân họ. Mọi người có thể sử dụng các từ ngữ cụ thể để mô tả bản thân họ. Để thể hiện sự tôn trọng, hãy sử dụng những từ ngữ này khi giao tiếp với hoặc nói về những người này, trong trường hợp khả thi về mặt ngôn ngữ hoặc kỹ thuật. Các ví dụ bao gồm:
    • Các nhóm dân tộc có thể sử dụng một tên cụ thể để mô tả bản thân họ, thay vì tên mà những người khác từng sử dụng;
    • Mọi người có thể có tên mà sử dụng các chữ cái, âm thanh hoặc từ trong ngôn ngữ của họ mà bạn có thể thấy không quen thuộc;
    • Những người biểu thị khuynh hướng tình dục hoặc bản dạng giới cụ thể của mình bằng tên hoặc đại từ đặc biệt;
    • Những người có khuyết tật về thể chất hoặc tinh thần cụ thể có thể sử dụng các từ ngữ cụ thể để mô tả bản thân họ
  • Trong các cuộc gặp gỡ trực tiếp, chúng tôi sẽ cởi mở với mọi người và chúng tôi sẽ lưu ý đến và tôn trọng sở thích, ranh giới, sự nhạy cảm, truyền thống và yêu cầu của mỗi người.

2.2 – Phép lịch sự, tính tập thể, sự tương trợ và tinh thần công dân tốt

Chúng tôi nỗ lực để thực hiện những hành vi sau:

  • Phép lịch sự là lối hành xử hòa nhã trong hành vi và lời nói giữa mọi người, kể cả người lạ.
  • Tính tập thể là sự hỗ trợ thân thiện mà những người tham gia vào cùng một nỗ lực chung dành cho nhau.
  • Sự tương trợtinh thần công dân tốt có nghĩa là chủ động gánh vác trách nhiệm trong việc đảm bảo rằng các dự án Wikimedia là những không gian làm việc hiệu quả, dễ chịu và an toàn, và đóng góp cho Sứ mệnh Wikimedia.

Điều này bao gồm nhưng không giới hạn ở:

  • Cố vấn và huấn luyện: Giúp những người mới làm quen và có được những kỹ năng thiết yếu
  • Hỗ trợ những cộng tác viên khác: Giúp họ một tay khi họ cần hỗ trợ, và lên tiếng bênh vực họ khi họ bị đối xử theo cách không xứng với hành vi được kỳ vọng theo Bộ Quy tắc Ứng xử Chung
  • Ghi nhận và ghi công cho những phần việc mà cộng tác viên làm: Cám ơn họ vì đã giúp đỡ và làm việc. Trân trọng những nỗ lực của họ và ghi nhận công sức khi phù hợp

3 – Hành vi không được chấp nhận

Bộ Quy tắc Ứng xử Chung nhằm giúp các thành viên cộng đồng xác định các tình huống có hành vi xấu. Những hành vi sau được coi là không thể chấp nhận được trong phong trào Wikimedia:

3.1 – Sự quấy rối

Điều này bao gồm bất kỳ hành vi nào chủ yếu nhằm mục đích đe dọa, gây phẫn nộ hoặc làm khó chịu một người hoặc bất kỳ hành vi nào mà xét một cách hợp lý thì hệ quả chính có khả năng xảy ra cao nhất là những cảm xúc tiêu cực đó. Hành vi có thể bị coi là quấy rối nếu hành vi đó vượt quá mức chấp nhận mà có thể kỳ vọng ở một người biết suy nghĩ đúng sai trong một môi trường toàn cầu, đa văn hóa. Hành vi quấy rối thường diễn ra dưới hình thức ngược đãi về cảm xúc, đặc biệt là đối với những người ở vị trí dễ bị tổn thương và có thể bao gồm việc liên lạc với nơi làm việc hoặc bạn bè và thành viên gia đình để đe dọa hoặc làm họ xấu hổ. Trong một số trường hợp, hành vi không đến mức quấy rối xét trong một trường hợp đơn lẻ nhưng có thể trở thành hành vi quấy rối nếu lặp đi lặp lại. Quấy rối bao gồm nhưng không giới hạn ở:

  • Xúc phạm: Việc này bao gồm mạt sát, sử dụng lời nói tục tĩu hoặc định kiến, và bất kỳ việc tấn công nào dựa trên đặc điểm cá nhân. Xúc phạm có thể hướng đến các đặc điểm quan sát được như trí thông minh, ngoại hình, dân tộc, chủng tộc, tôn giáo (hoặc không có tôn giáo), văn hóa, đẳng cấp, xu hướng tình dục, giới tính, giới, khuyết tật, tuổi tác, quốc tịch, đảng phái chính trị hoặc các đặc điểm khác. Trong một số trường hợp, những lời chế giễu, mỉa mai hoặc gây hấn lặp đi lặp lại khi xét tổng thể sẽ tạo thành sự lăng mạ, cho dù những lời lẽ riêng lẻ có thể không bị coi là như vậy.
  • Quấy rối tình dục: Sự theo đuổi hoặc ve vãn về tình dục dưới bất kỳ hình thức nào đối với người khác khi người đó biết hoặc trong chừng mực hợp lý phải biết rằng sự theo đuổi đó là không được đón nhận hoặc trong các tình huống mà sự đồng thuận không thể được trao đổi.
  • Đe dọa: Ngụ ý một cách rõ ràng hoặc bóng gió về khả năng xảy ra bạo lực thể chất, sự xấu hổ không chính đáng, tổn hại danh tiếng không chính đáng và phi lý, hoặc dọa nạt bằng cách đề cập đến vụ kiện pháp lý vô cớ để thắng một cuộc tranh cãi hoặc buộc ai đó phải cư xử theo cách bạn muốn.
  • Khuyến khích làm hại người khác: Việc này bao gồm khuyến khích người khác tự làm hại bản thân hoặc tự sát cũng như khuyến khích ai đó thực hiện các cuộc tấn công bạo lực vào bên thứ ba.
  • Tiết lộ dữ liệu cá nhân (Doxing): chia sẻ thông tin cá nhân của những cộng tác viên khác, chẳng hạn như tên, nơi làm việc, địa chỉ thực hoặc email mà không có sự đồng ý rõ ràng của họ, hoặc trong các dự án Wikimedia hoặc ở nơi khác, hoặc chia sẻ thông tin liên quan đến hoạt động Wikimedia của họ bên ngoài các dự án.
  • Đeo bám: đi theo một người từ dự án này sang dự án khác và liên tục chỉ trích công việc của họ với ý định làm họ khó chịu hoặc nản lòng. Nếu các vấn đề vẫn tiếp diễn sau những nỗ lực để trao đổi thông tin và cải tạo, các cộng đồng có thể cần phải giải quyết những hành vi này thông qua các quy trình cộng đồng đã được thiết lập.
  • Chơi khăm: Cố ý làm gián đoạn cuộc trò chuyện hoặc đăng bài có ý xấu để cố tình khiêu khích.

3.2 – Lạm dụng Quyền lực, Đặc quyền hoặc Ảnh hưởng

Việc lạm dụng xảy ra khi một người nào đó ở một vị trí thực sự hoặc tạo ấn tượng là có quyền lực, đặc quyền hoặc tầm ảnh hưởng có hành vi thiếu tôn trọng, độc ác và/hoặc bạo lực đối với người khác. Trong những môi trường của Wikimedia, việc này thường diễn ra dưới dạng ngược đãi bằng lời nói hoặc tâm lý và có thể đan xen với hành vi quấy rối.

  • Lạm dụng chức vụ của các nhân viên cộng đồng, viên chức và nhân viên dự án: sử dụng quyền hạn, kiến thức hoặc nguồn lực theo ý của các nhân viên cộng đồng được chỉ định, cũng như các viên chức và nhân viên dự án của Wikimedia Foundation hoặc các chi nhánh của Wikimedia, để hăm dọa hoặc đe dọa người khác.
  • Lạm dụng thâm niên và quan hệ: Sử dụng vị trí và danh tiếng của một người để đe dọa người khác. Chúng tôi kỳ vọng rằng những người có kinh nghiệm và mối quan hệ đáng kể trong phong trào cần đặc biệt cẩn trọng khi hành xử vì những bình luận thiếu thiện của họ có thể dẫn đến sự phản đối dữ dội ngoài ý muốn. Những người có quyền uy trong cộng đồng có đặc quyền cụ thể là được coi là đáng tin cậy và không được lạm dụng điều này để tấn công những người không đồng ý với họ.
  • Thao túng về tâm lý: Với ác tâm, khiến ai đó nghi ngờ nhận thức, giác quan hoặc sự hiểu biết của chính họ với mục tiêu giành chiến thắng trong một cuộc tranh luận hoặc buộc ai đó phải cư xử theo cách bạn muốn.

3.3 – Phá hoại nội dung và sử dụng sai các dự án

Cố ý tung ra nội dung thiên lệch, sai sự thật, không chính xác hoặc không đúng đắn hoặc cản trở, ngăn cản hoặc gây khó khăn cho việc tạo (và/hoặc duy trì) nội dung. Điều này bao gồm nhưng không giới hạn ở:

  • Việc nhiều lần xóa bỏ tùy tiện hoặc không có lý do bất kỳ nội dung nào mà không có sự thảo luận thích hợp hoặc đưa ra lời giải thích
  • Thao túng nội dung một cách có hệ thống để ưu ái những cách diễn giải cụ thể về sự kiện hoặc quan điểm (cũng bằng cách không trung thực hoặc cố ý bóp méo việc trình bày các nguồn thông tin và thay đổi cách soạn nội dung biên tập đúng đắn)
  • Ngôn từ kích động sự thù hận dưới bất kỳ hình thức nào hoặc ngôn ngữ phân biệt đối xử nhằm phỉ báng, lăng mạ, kích động thù hận chống lại các cá nhân hoặc nhóm trên cơ sở con người hoặc niềm tin cá nhân của họ
  • Việc sử dụng các ký hiệu, hình ảnh, danh mục, thẻ hoặc các loại nội dung khác có tính chất đe dọa hoặc gây hại cho người khác bên ngoài ngữ cảnh của việc sử dụng để tra cứu và tìm thông tin. Điều này bao gồm áp dụng những phương kế lên nội dung nhằm mục đích gạt ra hoặc tẩy chay.